Theo dõi đơn hàng
 
Giá bán
Qty
Tiền mua hàng : $0.00
DONATE
GHI DANH ĐỂ NHẬN BẢN TIN
Nhập địa chỉ email
KHÁCH THĂM VIẾNG
59,200

Kinh Trường A-hàm_Kinh Đại Bổn_Thích Nguyên Hùng dịch

17/03/20201:25 CH(Xem: 8250)
Kinh Trường A-hàm_Kinh Đại Bổn_Thích Nguyên Hùng dịch

KINH TRƯỜNG A HÀM

Hán Dịch: Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm

(        )

Việt dịch: Hội Đồng Phiên Dịch IBC (International Buddhist Congregation)

Tỳ kheo Thích Nguyên Hùng dịch

 

001. KINH NHÂN DUYÊN CHƯ PHẬT QUÁ KHỨ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với đại chúng một nghìn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo ngụ tại tinh xá Hoa Lâm,[2] trong rừng Kỳ-đà,[3] thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, sau khi khất thực xong, các Tỳ-kheo nhóm họp tại giảng đường Hoa Lâm rồi cùng bàn luận: “Này chư Hiền Tỳ-kheo! Chỉ có đấng Vô Thượng Tôn là kỳ diệu, hy hữu, oai lực lớn lao, thần thông đạt đến chỗ cao xa mới biết rõ quá khứ vô số đức Phật đã nhập Niết-bàn thế nào, đoạn kết sử và dập tắt hý luận ra sao, đồng thời biết rõ kiếp số các đức Phật quá khứ nhiều ít, cho đến danh hiệu, chủng tộc, dòng họ thác sanh, việc ăn mặc, thọ mạng dài ngắn, vui khổ làm sao. Lại biết rõ các đức Phật thời quá khứ có giới như vậy, pháp như vậy, trí tuệ như vậy, giải thoát như vậy và an trụ như vậy. Chư Hiền nghĩ thế nào? Những việc ấy là do đức Như Lai khéo thấu rõ pháp tánh mà biết hay do chư Thiên kể lại?”

Lúc ấy, đang nơi chỗ nhàn vắng, bằng thiên nhĩ thanh tịnh nên đức Phật nghe rõ các Tỳ-kheo bàn luận như thế, Ngài liền rời chỗ ngồi, đi đến giảng đường Hoa Lâm và ngồi xuống chỗ của mình.

Bấy giờ, dù đã biết, nhưng Thế Tôn vẫn hỏi:

–  Này các Tỳ-kheo! Các thầy nhóm họp ở đây để bàn luận việc gì?

Thế rồi, các Tỳ-kheo liền trình bày với đức Phật những việc như trên. Nghe xong, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Lành thay! Lành thay! Các Thầy vì lòng tin chân chánh[4] mà xuất gia tu đạo, những việc cần làm chỉ có hai điều: một là nói năng như pháp Hiền Thánh, hai là im lặng như Hiền Thánh. Các thầy có luận bàn điều gì phải nên như vậy. Như Lai có thần thông và oai lực lớn lao, biết rõ những việc từ vô số kiếp trong quá khứ là do thông tỏ pháp tánh và cũng nhờ  chư Thiên kể lại.

Khi ấy, Phật nói kệ rằng:

Tỳ-kheo tại pháp đường,

Luận bàn pháp Hiền Thánh,

Thiên nhĩ Phật thanh tịnh,

Nơi tịnh thất nghe suốt.

Mặt trời Phật sáng soi,

Phân biệt nghĩa pháp giới,

Biết chư Phật ba đời,

Quá khứ vào Tịch diệt.

Danh hiệu, họ, dòng tộc,

Biết mọi việc thọ sanh,

Trú xứ, mọi ngọn ngành,

Tịnh nhãn Phật thấy suốt.

Chư Thiên sức thần lớn,

Dung mạo rất đoan nghiêm,

Cũng đến cho Ta biết,

Ba đời Phật Niết-bàn.

Nơi sanh, họ, dòng tộc,

Tiếng nhiệm mầu trong đời,

Bậc Phước trí người, trời,

Biết rõ Phật quá khứ.

[001c13] Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

– Như Lai có Túc mạng trí, biết nhân duyên của chư Phật quá khứ, nếu các thầy muốn nghe thì Như Lai sẽ giảng nói cho các thầy.

Khi ấy, các Tỳ-kheo thưa:

– Bạch Thế Tôn! Nay thật đúng thời, chúng con muốn nghe. Lành thay! Bạch Thế Tôn! Nay thật đúng lúc, xin Ngài giảng thuyết, chúng con kính nguyện phụng hành.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ, Ta sẽ phân biệt, giảng thuyết cho các thầy!

Các Tỳ-kheo vâng lời, yên lặng lắng nghe.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Về thời quá khứ cách đây chín mươi mốt kiếp, có đức Phật hiệu Tỳ-bà-thi[5] Như Lai, Chí Chân thị hiện ở đời. Lại nữa, này Tỳ-kheo! Trong thời quá khứ cách đây ba mươi mốt kiếp, có đức Phật hiệu Thi-khí[6] Như Lai, Chí Chân thị hiện ở đời. Lại nữa, này Tỳ-kheo! Cũng cách đây trong ba mươi mốt kiếp đó, có đức Phật hiệu Tỳ-xá-bà[7] Như Lai, Chí Chân thị hiện ở đời. Lại nữa, này Tỳ-kheo! Trong hiền kiếp[8] này có các đức Phật hiệu Câu-lâu-tôn, Câu-na-hàm, Ca-diếp[9] lần lượt thị hiện ở đời. Nay Ta cũng thành bậc Giác Ngộ Tối Thượng[10] trong hiền kiếp này.

Khi ấy, Phật nói kệ rằng:

Chín mươi mốt kiếp trước,

Có Phật Tỳ-bà-thi,

Cách đây ba mốt kiếp,

Phật Thi-khí ra đời,

Cũng đồng trong kiếp đó,

Tỳ-xá Phật thị hiện.

Và trong hiền kiếp này,

Không hạn lượng số tuổi,

Có bốn đức Như Lai,

Vì chúng sanh thị hiện:

Câu-lâu-tôn, Na-hàm,

Ca-diếp và Thích-ca.[11]

Các thầy nên biết, thời Phật Tỳ-bà-thi, loài người sống thọ tám mươi nghìn tuổi. Thời Phật Thi-khí loài người sống bảy mươi nghìn tuổi. Thời Phật Tỳ-xá-bà loài người sống sáu mươi nghìn tuổi. Thời Phật Câu-lâu-tôn loài người sống bốn mươi nghìn tuổi. Thời Phật Câu-na-hàm loài người sống ba mươi nghìn tuổi. Thời Phật Ca-diếp loài người sống hai mươi nghìn tuổi. Và nay Ta xuất thế, loài người chỉ thọ được một trăm tuổi, hoặc hơn kém con số đó.

Khi ấy, Phật nói kệ rằng:

Người thời Tỳ-bà-thi,

Thọ tám vạn tư tuổi,[12]

Người thời Phật Thi-khí,

Thọ bảy mươi nghìn tuổi.

Người thời Tỳ-xá-bà,

Thọ sáu mươi nghìn tuổi,

Người thời Phật Lâu-tôn,

Thọ bốn mươi nghìn tuổi.

Người thời Phật Na-hàm,

Thọ ba mươi nghìn tuổi,

Người thời Phật Ca-diếp,

Thọ hai mươi nghìn tuổi.

Người thời Ta hiện nay,

Thọ không quá trăm tuổi.

 Đức Phật Tỳ-bà-thi sanh trong dòng Sát-đế-lợi,[13] họ Câu-lợi-nhã.[14] Đức Phật Thi-khí và Tỳ-xá-bà dòng họ cũng vậy. Đức Phật Câu-lâu-tôn sanh vào dòng Bà-la-môn,[15] họ Ca-diếp.[16] Đức Phật Câu-na-hàm và Ca-diếp cũng sanh vào dòng họ đó. Còn nay Ta là bậc Chí Chân, Như Lai sanh vào dòng Sát-đế-lợi, họ Cù-đàm.[17]

Khi ấy, Phật nói kệ rằng:

Đức Phật Tỳ-bà-thi,

Thi-khí, Tỳ-xá-bà,

Ba đấng Như Lai này,

Sanh họ Câu-lợi-nhã.

Ba đấng Như Lai khác,

 Sanh vào họ Ca-diếp,

Nay Ta, Vô Thượng Tôn,

Dẫn dắt các chúng sanh.

Bậc nhất trong trời người,

Họ Cù-đàm dũng mãnh,

Ba đấng Chánh Giác trước,

Sanh vào dòng Sát-lợi.

Ba đức Như Lai sau,

Sanh dòng Bà-la-môn,

Nay Ta, Vô Thượng Tôn,

Dòng Sát-lợi dũng mãnh.

 Đức Phật Tỳ-bà-thi thành bậc Giác Ngộ Tối Thượng bên cội cây Ba-ba-la.[18] Đức Phật Thi-khí thành bậc Giác Ngộ Tối Thượng bên cội cây Phân-đà-lợi.[19] Đức Phật Tỳ-xá-bà thành bậc Giác Ngộ Tối Thượng bên cội cây Sa-la.[20] Đức Phật Câu-lâu-tôn thành bậc Giác Ngộ Tối Thượng bên cội cây Thi-lợi-sa.[21] Đức Phật Câu-na-hàm thành bậc Giác Ngộ Tối Thượng bên cội cây Ô-tạm-bà-la-môn.[22] Đức Phật Ca-diếp thành bậc Giác Ngộ Tối Thượng bên cội cây Ni-câu-luật.[23] Nay Ta là đấng Như Lai, Chí Chân thành bậc Giác Ngộ Tối Thượng bên cội cây Bát-đa.[24]

Khi ấy, Phật nói kệ rằng:

Tỳ-bà-thi Như Lai,

Đến bên cây Ba-la,

Ngay tại chính nơi này,

Thành Giác Ngộ Tối Thượng.

Phân-đà, Phật Thi-khí,

Thành đạo, dứt nguồn hữu,

Đức Phật Tỳ-xá-bà,

Ngồi bên cây Sa-la.

Đạt giải thoát tri kiến,

Thần túc thông vô ngại,

Câu-lâu-tôn Như Lai,

Ngồi bên cây Thi-lợi.

Nhất thiết trí thanh tịnh,

Vô nhiễm, vô sở trước,

Đức Phật Câu-na-hàm,

Ngồi bên cây Ưu-đàm.

Ngay chính cội cây đó,

Diệt ưu não, ái, tham,

Đức Ca-diếp Như Lai,

Ngồi bên cây Ni-câu.

Ngay chính cội cây này,

Diệt trừ gốc hữu lậu,

Ta nay, hiệu Thích-ca,

Ngồi bên cây Bát-đa.

Đấng Như Lai, Thập Lực,

Đoạn kết sử, lưới tà,

Hàng phục mọi quân ma,

Diễn pháp mầu giữa chúng.

Sức tinh tấn bảy Phật,

Phóng quang xua tối dày,

Ngồi dưới các tàng cây,

Chứng Giác Ngộ Tối Thượng.

[002b22] Đức Phật Tỳ-bà-thi thuyết pháp ba hội: Ở hội thứ nhất, đệ tử có một trăm sáu mươi tám nghìn vị; hội thứ hai, đệ tử có một trăm nghìn vị; hội thứ ba, đệ tử có tám mươi nghìn vị. Đức Phật Thi-khí cũng thuyết pháp ba hội: Ở hội thứ nhất, đệ tử có một trăm nghìn vị; hội thứ hai, đệ tử có tám mươi nghìn vị; hội thứ ba, đệ tử có bảy mươi nghìn vị. Đức Phật Tỳ-xá-bà thuyết pháp hai hội: Ở hội đầu, đệ tử có bảy mươi nghìn vị; hội kế có sáu mươi nghìn đệ tử. Đức Phật Câu-lâu-tôn thuyết pháp một hội, đệ tử có bốn mươi nghìn vị. Đức Phật Câu-na-hàm thuyết pháp một hội, đệ tử ba mươi nghìn vị. Đức Phật Ca-diếp thuyết pháp một hội, đệ tử có hai mươi nghìn vị. Ta nay thuyết pháp một hội, đệ tử có một nghìn hai trăm năm mươi vị.

Khi ấy, Phật nói kệ rằng:

Tỳ-bà-thi tên Quán,[25]

Trí tuệ không thể lường,

Vô úy,[26] thấy muôn phương,

Chúng đệ tử ba hội.

Thi-khí, sáng,[27] bất động,

Mọi kết sử phá tan,

Oai đức lớn vô vàn,

Chẳng thể suy lường được,

Phật thuyết pháp ba hội,

Chúng đệ tử về nương.

Tỳ-xá trừ não phiền,

Đấng Giác Ngộ vân tập,

Danh tiếng vang dội khắp,

Xiển dương pháp nhiệm mầu,

Chúng đệ tử hai hội,

Diễn khắp nghĩa rộng sâu.

Câu-lâu-tôn, một hội,

Trị các khổ mau lành,

Đạo sư độ chúng sanh,

Chúng đệ tử một hội.

Câu-na-hàm Như Lai,

Đấng Vô Thượng cũng vậy,

Sắc thân màu vàng tía,

Dung mạo đẹp, tròn đầy,

Chúng đệ tử một hội,

Diễn khắp pháp mầu này.

Ca-diếp, mỗi phút giây,

Nhất tâm không loạn tưởng,

Nghĩa chân thật tràn đầy,

Chúng đệ tử một hội.

Đấng Năng Nhân, Tịch diệt,[28]

Họ Thích, dòng Sa-môn,

Cõi trời, bậc Tối Tôn,

Chúng đệ tử một hội.

Nơi ấy Ta hiển nghĩa,

Giảng giáo pháp tịnh thanh,

Trong tâm thường hoan hỷ,

Hết lậu, hữu không còn.

Tỳ-bà, Thi-khí, ba,

Phật Tỳ-xá hai hội,

Bốn Phật đều một hội,

Đấng Giác Ngộ diễn thuyết.

[002c24] Thuở ấy, hàng đệ tử ưu tú bậc nhất trong hội chúng của chư Phật thì đức Phật Tỳ-bà-thi có hai vị: Một là Khiên-trà, hai là Đề-xá;[29] Phật Thi-khí có hai vị là A-tỳ-phù và Tam-bà-bà;[30] Phật Tỳ-xá-bà có hai vị: Một là Phù-du, hai là Uất-đa-ma;[31] Phật Câu-lưu tôn có hai vị là Tát-ni và Tỳ-lâu;[32] Phật Câu-na-hàm có hai vị: Một là Thư-bàn-na, hai là Uất-đa-lâu;[33] Phật Ca-diếp có hai vị là Đề-xá và Bà-la-bà;[34] nay Ta cũng có hai vị, đó là Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên.[35]

Khi ấy, Phật nói kệ rằng:

Khiên-trà và Đề-xá,

Đệ tử Phật Bà-thi,

A-tỳ-phù, Tam-bà,

Đệ tử Phật Thi-khí.

Phù-du, Uất-đa-ma,

Đứng đầu hàng đệ tử,

Chế phục được chúng ma,

Đệ tử Phật Tỳ-xá.

Tát-ni và Tỳ-lâu,

Đệ tử Phật Lưu-tôn,

Thư-bàn, Uất-đa-lâu,

Đệ tử Phật Na-hàm.

Đề-xá, Bà-la-bà,

Đệ tử Phật Ca-diếp,

Xá-lợi-phất, Mục-liên,

Đệ tử Ta, bậc nhất.

[003a15] Lại nữa, đệ tử thị giả của đức Phật Tỳ-bà-thi là Vô Ưu, của Phật Thi-khí là Nhẫn Hạnh, của Phật Tỳ-xá-bà là Tịch Diệt, của Phật Câu-lâu-tôn là Thiện Giác, của Phật Câu-na-hàm là An Hòa, của Phật Ca-diếp là Thiện Hữu và thị giả của Ta là A-nan.

Khi ấy, Phật nói kệ rằng:

Vô Ưu và Nhẫn Hạnh,

Tịch Diệt với Thiện Giác,

Thiện Hữu và An Hòa,

Cùng A-nan là bảy.

Làm thị giả Như Lai,

Ngày đêm luôn cẩn mật,

Nghĩa các pháp đủ đầy,

Người, mình đều lợi ích.

Bảy đệ tử Hiền Thánh,

Thị giả bảy Như Lai,

Hoan hỷ hầu các Ngài,

An nhiên vào Tịch diệt.

Đức Phật Tỳ-bà-thi có con tên Phương Ưng, Phật Thi-khí có con là Vô Lượng, Phật Tỳ-xá-bà có con tên Diệu Giác, Phật Câu-lâu-tôn có con tên Thượng Thắng, Phật Câu-na-hàm có con là Đạo Sư, Phật Ca-diếp có con tên Tập Quân và nay Ta có con tên La-hầu-la.

Khi ấy, Phật nói kệ rằng:

Phương Ưng và Vô Lượng,

Diệu Giác cùng Thượng Thắng,

Đạo Sư với Tập Quân,

La-hầu-la là bảy.

Những người con cao quý,

Tiếp nối hạnh Như Lai,

Ưa pháp, thích bố thí,

Trong pháp, được Vô úy.

[003b07] Phật Tỳ-bà-thi có cha tên Bàn-đầu,[36] thuộc dòng Sát-đế-lợi, mẹ tên Bàn-đầu-bà-đề.[37] Kinh thành của vua Bàn-đầu trị vì tên Bàn-đầu-bà-đề.[38]

Khi ấy, Phật nói kệ rằng:

Phụ vương tên Bàn-đầu,

Mẹ Bàn-đầu-bà-đề,

Tên thành, như từ mẫu,

Phật thuyết pháp nơi này.

Phật Thi-khí có cha tên Minh Tướng, thuộc dòng Sát-đế-lợi, mẹ tên Quang Diệu. Quốc thành vua cha trị vì tên Quang Tướng.

Khi ấy, Phật nói kệ rằng:

Thi-khí, cha Minh Tướng,

Mẹ, Quang Diệu là tên,

Ngay quốc thành Quang Tướng,

Oai đức dẹp giặc ngoài.

Phật Tỳ-xá-bà có cha là Thiện Đăng, thuộc dòng Sát-đế-lợi, mẹ tên Xứng Giới. Quốc thành vua cha trị vì tên Vô Dụ.

Khi ấy, Phật nói kệ rằng:

Cha Phật Tỳ-xá-bà,

Thiện Đăng, dòng Sát-lợi,

Mẹ tên là Xứng Giới,

Quốc thành tên Vô Dụ.

Phật Câu-lâu-tôn có cha tên Tự Đắc, thuộc dòng Bà-la-môn, mẹ tên Thiện Chi. Vua thời đó có tên An Hòa nên kinh thành cũng được gọi theo tên vua là thành An Hòa.

Khi ấy, Phật nói kệ rằng:

Cha, la-môn Tự Đắc,[39]

Mẹ tên là Thiện Chi,

An Hòa, vua tên ấy,

Thành An Hòa trị vì.

Phật Câu-na-hàm có cha tên Đại Đức, thuộc dòng Bà-la-môn, mẹ là Thiện Thắng. Nhà vua thời đó có tên Thanh Tịnh, nên kinh thành cũng được gọi theo tên vua là thành Thanh Tịnh.

Khi ấy, Phật nói kệ rằng:

Cha, la-môn Đại Đức,

Mẹ, Thiện Thắng là tên,

Vua tên là Thanh Tịnh,

Thành Thanh Tịnh trị vì.

Phật Ca-diếp có cha tên Phạm Đức, thuộc dòng Bà-la-môn, mẹ tên Tài Chủ. Nhà vua thời ấy có tên Hấp-tỳ, kinh thành vua trị vì tên Ba-la-nại.

Khi ấy, Phật nói kệ rằng:

Cha, la-môn Phạm Đức,

Mẹ tên là Tài Chủ,

Vua có tên Hấp-tỳ,

Trị vì Ba-la-nại.

[003c05] Cha Ta là vua Tịnh Phạn,[40] thuộc dòng Sát-đế-lợi, mẹ tên Đại Thanh Tịnh Diệu.[41] Kinh thành vua trị vì tên Ca-tỳ-la-vệ.

Khi ấy, Phật nói kệ rằng:

Cha Tịnh Phạn, Sát-lợi,

Mẹ Đại Thanh Tịnh Diệu,

Đất rộng, dân đông, giàu,

Ta  sanh ra tại đó.

Đó là nhân duyên, danh hiệu, chủng tộc và nơi đản sanh của chư Phật. Không một người trí nào nghe đến nhân duyên đó mà không khởi tâm hoan hỷ, ưa thích!

Bấy giờ, đức Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

– Nay Ta muốn dùng Túc mạng trí để nói về sự tích chư Phật quá khứ, các thầy có muốn nghe chăng?

Các Tỳ-kheo bạch rằng:

– Nay thật đúng lúc, chúng con muốn được nghe.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, Ta sẽ phân biệt, giảng nói cho các thầy!

Này Tỳ-kheo! Nên biết thường pháp[42] của chư Phật như vầy: Từ cung trời Đâu-suất, Bồ-tát Tỳ-bà-thi giáng thần vào thai mẹ từ hông bên phải với tâm chánh niệm, không tán loạn. Ngay lúc ấy, cõi đất rung chuyển, ánh sáng rực rỡ chiếu khắp thế giới, soi sáng cả những nơi mà ánh sáng mặt trời và mặt trăng không thể chiếu đến, khiến chúng sanh trong cõi tăm tối ấy được nhìn thấy nhau và biết mình đang ở chỗ nào. Ánh sáng đó soi đến cung điện Ma vương, chư Thiên, Đế-thích, Phạm thiên, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng  sanh khác đều được ánh sáng lớn đó phủ khắp, đồng thời ánh sáng của  chư Thiên tự nhiên tắt mất.

Khi ấy, Phật nói kệ rằng:

Mây dày phủ khắp trời,

Ánh chớp sáng muôn nơi,

Tỳ-bà-thi giáng thế,

Muôn phương cùng sáng ngời.

Nơi trời trăng không chiếu,

Được hưởng ánh sáng này,

Thụ thai tịnh, an vui,

Pháp chư Phật đều vậy.

Này các Tỳ-kheo! Nên biết thường pháp của chư Phật như vầy: Khi Bồ-tát Tỳ-bà-thi ở trong thai mẹ, chuyên niệm, không tán loạn, thường có bốn thiên thần tay cầm mâu kích hộ vệ mẹ Ngài, khiến người hoặc những loài không thuộc loài người chẳng thể nhiễu hại, đó chính là thường pháp.

Khi ấy, Phật nói kệ rằng:

Bốn phương bốn thiên thần,

Tiếng tăm, oai đức lớn,

Do Đế-thích sai đi,

Để hộ trì Bồ-tát.

Tay luôn cầm mâu kích,

Canh giữ không lơ là,

Nhân, phi nhân tránh xa,

Là thường pháp chư Phật.

Thiên thần giữ cẩn mật,

Như thiên nữ hầu trời,

Quyến thuộc vui rạng ngời,

Là thường pháp chư Phật.

[004a10] Lại nữa, khi Bồ-tát Tỳ-bà-thi từ cung trời Đâu-suất giáng thần vào thai mẹ, chuyên niệm, không tán loạn, thân thể mẹ Ngài an ổn, không hề lo phiền, trí tuệ tăng trưởng. Bà tự thấy Bồ-tát ở trong thai các căn đầy đủ, sắc thân vàng tía không chút tỳ vết, giống như người có mắt thấy khối lưu ly trong sạch, thấu suốt cả trong lẫn ngoài, không chút ngăn ngại. Này các Tỳ-kheo! Đây là thường pháp của chư Phật.

Khi ấy, Thế Tôn nói kệ rằng:

Như lưu ly sáng sạch,

Lấp lánh giữa trời trăng,

Năng Nhân trong thai mẹ,

Khiến mẹ chẳng nhọc nhằn.

Tăng trưởng thêm trí tuệ,

Thấy thai sắc vàng ròng,

Mang thai, mẹ thong dong,

Là thường pháp chư Phật.

Lại nữa, khi Bồ-tát Tỳ-bà-thi từ cung trời Đâu-suất giáng thần vào thai mẹ, chuyên niệm không tán loạn, nên tâm mẹ Ngài thanh tịnh, không có dục tưởng, không bị lửa dục thiêu đốt, đây là thường pháp của chư Phật.

Khi ấy, Thế Tôn nói kệ rằng:

Bồ-tát trụ thai mẹ,

Do phước trời tạo nên,

Tâm mẹ Ngài thuần tịnh,

Dục tưởng bặt bóng hình.

Lòng dục đã dứt hẳn,

Không nhiễm, không gối chăn,

Lửa dục hết nhóm nhen,

Mẹ chư Phật thường tịnh.

Lại nữa, khi Bồ-tát Tỳ-bà-thi từ cung trời Đâu-suất giáng thần vào thai mẹ, chuyên niệm không tán loạn, mẹ Ngài vâng giữ năm giới, phạm hạnh thanh tịnh, thuần tín nhân từ, thành tựu hạnh lành, an lạc tự tại, sau khi chết được sanh cõi trời Đao-lợi, đây là thường pháp của chư Phật.

Khi ấy, Thế Tôn nói kệ rằng:

Hoài thai đấng Đại Giác,

Trì giới chẳng buông lơi,

Mạng chung được thân trời,

Gọi là mẹ của Phật.

[004b06] Lại nữa, ngay lúc Bồ-tát Tỳ-bà-thi đản sanh từ hông phải của mẹ thì cõi đất rung động, ánh sáng chiếu khắp. Cũng như lúc Ngài mới nhập thai, chỗ tối tăm nhất cũng được ánh sáng ấy chiếu đến, đó là thường pháp của chư Phật.

Khi ấy, Thế Tôn nói kệ rằng:

Đản sanh, đất rung chuyển,

Ánh sáng chiếu muôn nơi,

Cõi này và cõi khác,

Muôn phương rực sáng ngời.

Phóng quang, ban mắt tịnh,

Nhìn suốt đến thân trời,

Tiếng hoan hỷ nhiệm mầu,

Xưng niệm danh Bồ-tát.

Lại nữa, khi Bồ-tát Tỳ-bà-thi đản sanh từ hông phải của mẹ, chuyên niệm không tán loạn. Ngay lúc ấy, mẹ Ngài tay vịn cành cây, dáng người khom nghiêng thì xuất hiện bốn thiên thần bưng nước thơm đứng trước bà, thưa: “Thưa Phật mẫu, nay sanh Thánh tử, xin chớ âu lo.” Đây là thường pháp của chư Phật.

Khi ấy, Thế Tôn nói kệ rằng:

Phật mẫu vừa nghiêng thân,

Sanh Chí Tôn, tinh tấn,

Trụ giới, tu phạm hạnh,

Được trời người kính hầu.

Lại nữa, đương lúc Bồ-tát Tỳ-bà-thi đản sanh từ hông phải của mẹ, chuyên niệm không tán loạn, thân Ngài thanh tịnh, không bị các chất ô uế làm dơ nhiễm. Giống như người mắt sáng lấy viên minh châu sạch đẹp đặt trên tấm lụa trắng, thấy hai thứ không làm bẩn nhau vì cả hai đều sáng sạch, Bồ-tát ra khỏi thai mẹ cũng như thế, đây là thường pháp của chư Phật.

Khi ấy, Thế Tôn nói kệ rằng:

Như minh châu sáng sạch,

Chẳng vấy bẩn lụa là,

Từ thai mẹ bước ra,

Ngài thanh tịnh, vô nhiễm.

Lại nữa, ngay lúc Bồ-tát Tỳ-bà-thi đản sanh từ hông phải của mẹ, chuyên niệm không tán loạn, bước chân xuống đất đi đúng bảy bước mà không cần người nâng đỡ, nhìn khắp bốn phương rồi đưa tay lên nói rằng: “Cả trên trời dưới đất, chỉ có Ta tôn quý, vì muốn độ chúng sanh, thoát sanh, già, bệnh, chết.”[43] Đây là thường pháp của chư Phật.

Khi ấy, Thế Tôn nói kệ rằng:

Như sư tử sắp đi,

Nhìn quanh khắp bốn hướng,

Xuống đất cất bảy bước,

Nhân Sư Tử[44] cũng vậy.

Như rồng chúa sắp bay,

Nhìn quanh khắp bốn hướng,

Xuống đất đi bảy bước,

Đấng Nhân Long cũng vậy.

Lưỡng Túc Tôn đản sanh,

Đi bảy bước an lành,

Nhìn bốn phương và nói,

Sẽ dứt khổ tử sanh.

Ngay lúc mới sanh ra,

Đã không ai sánh kịp,

Gốc tử sanh thấu triệt,

Thân này thân cuối cùng.

[004c12] Lại nữa, lúc Bồ-tát Tỳ-bà-thi đản sanh từ hông phải của mẹ, chuyên niệm không tán loạn, liền có hai dòng suối một ấm và một mát tuôn ra tắm gội Bồ-tát, đây là thường pháp của chư Phật.

Khi ấy, Thế Tôn nói kệ rằng:

Lưỡng Túc Tôn đản sanh,

Hai dòng suối tự tuôn,

Để cúng dường Bồ-tát,

Tắm gội sạch thân Ngài.

Hai suối tự tuôn trào,

Nước lắng trong xanh ngát,

Dòng ấm và dòng mát,

Tắm gội đấng Từ Tôn.

Lúc Thái tử được sanh ra, phụ vương Bàn-đầu liền cho mời các thầy tướng và các đạo sĩ đến xem tướng Thái tử để biết điềm tốt xấu. Bấy giờ, các thầy tướng vâng lệnh, trước tiên xin cởi áo Thái tử ra để xem kỹ các tướng rồi đoán rằng, người có tướng như thế này sẽ theo hai con đường, chắc chắn không sai: Nếu tại gia sẽ làm Chuyển luân Thánh vương, trị vì bốn châu thiên hạ, đủ bốn đạo quân binh, dùng chánh pháp trị dân, không để oan sai, thi ân khắp thiên hạ, bảy báu tự nhiên đến, có rất nhiều người con dũng mãnh, có thể hàng phục giặc thù bên ngoài, không cần đến đao binh mà thiên hạ vẫn thái bình, còn nếu xuất gia học đạo sẽ thành bậc Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu.

Sau khi luận đoán xong, các vị ấy liền thưa với vua: “Thái tử có đủ ba mươi hai tướng, sẽ theo hai đường, quyết chắc không sai: Nếu tại gia sẽ làm Chuyển luân Thánh vương, nếu xuất gia sẽ thành bậc Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu.”

Khi ấy, Phật nói kệ rằng:

Tướng sư xem Thái tử,

Có trăm phước, vừa sanh,

Như sách xưa ghi lại,

Theo hai đường rành rành.

Nếu ở trong đời này,

Làm Thánh vương thiên hạ,

Được bảy báu hiếm thấy,

Chúng tự tìm đến vua.

Bánh xe báu nghìn căm,

Xung quanh vàng ròng bọc,

Và có thể bay khắp,

Nên gọi Bánh xe trời.

Voi bảy ngà, như tuyết,

Thuần thục, cao lớn thay,

Bay giữa trời không ngại,

Voi báu, hiếm thứ hai.

Ngựa phi khắp thiên hạ,

Sớm đi, chiều về ăn,

Lông đỏ, bờm khổng tước,

Đó là báu thứ ba.

Ngọc lưu ly trong sáng,

Tỏa chiếu một do-tuần,

Khiến đêm sáng như ngày,

Gọi là báu thứ tư.

Sắc, thanh, hương, vị, xúc,

Thượng diệu, hiếm tuyệt trần,

Bậc nhất hàng nữ nhân,

Đó là báu thứ năm.

Vật trân quý dâng vua,

Lưu ly, ngọc, châu báu,

Hoan hỷ mà tiến dâng,

Gọi là báu thứ sáu.

Theo ý Chuyển luân vương,

Binh lính nhanh, dũng mãnh,

Tiến thoái rất thuần thành,

Gọi là báu thứ bảy.

Đây là bảy thứ báu,

Bánh xe, voi, ngựa trắng,

Cư sĩ, nữ báu, châu,

Binh như ý là bảy.

Nhìn ngắm không nhàm chán,

Năm dục thường vui theo,

Như voi bứt dây đeo,

Xuất gia thành Chánh Giác.

Vua có con như vậy,

Đấng Phước Trí uy hùng,

Chuyển Pháp luân độ thế,

Đạo thành, không buông lung.

Lúc ấy, vua cha nhiều lần ân cần hỏi các thầy tướng: “Các thầy hãy xem lại ba mươi hai tướng của Thái tử, đó là những tướng gì?” Các thầy tướng liền khoác áo lại cho Thái tử, rồi kể ba mươi hai tướng:

Một là tướng bàn chân đầy đặn bằng phẳng, đi đứng vững vàng.

Hai là tướng lòng bàn chân có tướng bánh xe báu nghìn căm, tỏa sáng lấp lánh.

Ba là tướng có màng lưới mỏng giữa kẽ tay, kẽ chân như loài ngỗng chúa.

Bốn là tướng tay chân mềm mại như áo trời.

Năm là tướng ngón tay, ngón chân thon dài, không ai đẹp bằng.

Sáu là tướng gót chân đầy đặn, nhìn không thấy chán.

Bảy là tướng ống chân thon dài như chân loài nai.

Tám là tướng các khớp xương móc lấy nhau như sợi dây xích.

Chín là tướng có mã âm tàng.[45]

Mười là tướng khi đứng thẳng, tay duỗi dài quá gối.

Mười một là tướng mỗi lỗ chân lông có một sợi lông, mỗi sợi lông đều xoáy quanh về bên phải, sắc lông như lưu ly xanh biếc pha đỏ hồng.

Mười hai là tướng lông mọc uốn cong về bên phải, màu lông xanh hồng.

Mười ba là tướng sắc thân như màu vàng ròng.

Mười bốn là tướng da thịt mịn màng, không dính bụi nhơ.

Mười lăm là tướng hai vai ngang bằng, đầy đặn, tròn đẹp.

Mười sáu là tướng giữa ngực có chữ Vạn.[46]

Mười bảy là tướng thân cao gấp đôi người thường.

Mười tám là tướng bảy lỗ trong người đầy đặn.

Mười chín là tướng thân thể cao, to như cây Ni-câu-loại.

Hai mươi là tướng hai má như má sư tử.

Hai mươi mốt là tướng ngực vuông đầy như ngực sư tử

Hai mươi hai là tướng có bốn mươi chiếc răng.

Hai mươi ba là tướng răng mọc ngay ngắn, đều đặn.

Hai mươi bốn là tướng răng khít không hở.

Hai mươi lăm là tướng răng trắng sạch, sáng bóng.

Hai mươi sáu là tướng yết hầu thanh sạch, ăn thức ăn gì cũng hợp.

Hai mươi bảy là tướng lưỡi rộng dài, liếm đến mép tai.

Hai mươi tám là tướng tiếng nói trong trẻo, như tiếng Phạm thiên.

Hai mươi chín là tướng mắt màu xanh hồng.

Ba mươi là tướng mắt như mắt trâu chúa, hai mí rõ ràng.

Ba mươi mốt là tướng có lông trắng mềm mại thanh mảnh giữa hai chân mày, nếu kéo ra thì được một tầm,[47] còn thả thì nó xoắn tròn về bên phải theo hình trôn ốc, như trân châu.

Ba mươi hai là tướng trên đỉnh đầu có nhục kế.[48]

Các thầy tướng liền nói kệ rằng:

Chân mềm mại, đứng vững,

Đi chẳng lấm bụi trần,

Nơi dấu chân hiển tướng,

Nghìn căm sắc sáng ngần.

Thân cao rộng thẳng ngay,

Như cây Ni-câu-loại,

Chưa ai từng có tướng,

Như Phật, mã âm tàng.

Thân trang nghiêm sắc vàng,

Các tướng, chiếu soi nhau,

Da thịt như người tục,

Nhưng bụi không bám vào.

Như sắc trời mịn mượt,

Lọng trời tự nhiên che,

Thân vàng tía, tiếng trong,

Như hoa nhô khỏi nước.

Vua bèn hỏi thầy tướng,

Thầy tướng cung kính tâu,

Xưng tán tướng Bồ-tát,

Thân tỏa sáng muôn màu.

Tay chân các gân khớp,

Trong ngoài đều hiện ra,

Ăn gì cũng thích hợp,

Thân ngay ngắn chỉnh tề.

Bánh xe lòng bàn chân,

Phát tiếng ngân hòa nhã,

Tướng bắp chân thon gọn,

Phước đời trước mà ra.

Khuỷu tay đẹp, đầy đặn,

Mày mắt rất đoan nghiêm,

Tướng Đạo sư thật hiếm,

Oai lực chẳng ai bằng.

Hai má đều đầy đặn,

Như sư tử, nằm nghiêng,

Bốn mươi răng trắng khít,

Không kẽ hở, phẳng bằng.

Tiếng Phạm âm hiếm có,

Vang xa gần tùy duyên,

Thân đứng vững, chẳng nghiêng,

Hai tay duỗi quá gối.

Râu tóc đều mềm mượt,

Đủ tướng tốt đoan nghiêm,

Mỗi lỗ mỗi sợi lông,

Tay chân có màng mỏng.

Nhục kế, mắt xanh hồng,

Hai mí mắt cân đối,

Vai đầy đặn, thon tròn,

Đủ ba hai tướng tốt.

Gót chân không cao thấp,

Đùi thon như đùi nai,

Đấng Thế Tôn xuất thế,

Tựa voi bứt dây đeo.

Khiến người, khổ hết theo,

Khỏi sanh, già, bệnh, chết,

Phật vận tâm từ bi,

Thuyết giảng Bốn chân đế,

Diễn bày nghĩa các pháp,

Khiến người kính, theo về.

Này các Tỳ-kheo! Lúc Bồ-tát Tỳ-bà-thi đản sanh, chư Thiên ở giữa hư không cầm lọng trắng, quạt báu để ngăn che lạnh nóng, gió mưa và bụi bặm cho Ngài.

Khi ấy, Phật nói kệ rằng:

Cõi người thật hiếm có,

Lưỡng Túc Tôn ra đời,

Được  chư Thiên kính dưỡng,

Dâng quạt báu, lọng trời.

Sau đó, vua cha ban cho bốn nhũ mẫu để nuôi dưỡng Thái tử: Một, cho bú mớm; hai, lo tắm rửa; ba, bôi hương thơm và bốn, cùng vui đùa. Tất cả họ đều hoan hỷ, cần mẫn dưỡng nuôi Ngài, do vậy nên có kệ rằng:

Lúc Ngài mới chào đời,

Nhũ mẫu cực thương yêu,

Người bú mớm, người tắm,

Người thoa phấn, vui chơi,

Hương thơm nhất trong đời,

Thoa khắp thân Thái tử.

[006a01] Lại nữa, lúc Thái tử còn thơ bé, gái trai cả nước ngắm hoài không chán, do vậy nên có kệ rằng:

Được nhiều người kính mến,

Như tượng vàng mới thành,

Trai gái đều thích nhìn,

Ngắm hoài không thấy chán.

Lại nữa, lúc Ngài còn thơ bé, mọi người đều thích ẵm bồng, như ngắm hoa báu, do vậy nên có kệ rằng:

Bậc Phước Trí chào đời,

Được mọi người kính mến,

Ẵm bồng mãi không rời,

Như nâng niu hoa quý.

Bồ-tát lúc đản sanh, mắt không hề nháy động, giống mắt trời Đao-lợi. Do mắt không nháy động nên Ngài có hiệu Tỳ-bà-thi, do vậy nên có kệ rằng:

Mắt Ngài không nháy động,

Như Đao-lợi  chư Thiên,

Nhìn sắc mà chánh quán,

Nên hiệu Tỳ-bà-thi.

Lúc Bồ-tát ra đời, tiếng nói trong trẻo, êm dịu, hòa nhã như tiếng chim Ca-lăng-tần-già, do vậy nên có kệ rằng:

Chim núi Tuyết hút mật,

Hót tiếng trong, ngân vang,

Tiếng Đạo sư thế gian,

Cũng trong, ngân như thế.

Lại nữa, lúc Bồ-tát mới được  sanh ra, mắt Ngài có thể nhìn thấy xa cả một do-tuần, do vậy nên có kệ rằng:

Mắt Bồ-tát nhìn thấy,

Xa khắp một do-tuần,

Quả thanh tịnh tròn đầy,

Mới được quang minh ấy.

Lúc tuổi vừa mới lớn, Bồ-tát ở tại Thiên chánh đường và dùng đạo khai hóa, ban ân đến thứ dân, danh đức được vang xa, do vậy nên có kệ rằng:

Thơ ấu, tại điện đường,

Đem đạo dạy bốn phương,

Quyết đoán việc Thánh thượng,

Nên hiệu Tỳ-bà-thi.

Trí thanh tịnh cao rộng,

Như biển lớn thẳm sâu,

Khiến người hoan hỷ nhau,

Nên trí tuệ tăng trưởng.

Một hôm, Bồ-tát muốn ra ngoài ngắm cảnh, liền bảo quân hầu sửa soạn xe báu để đến hoa viên.[49] Sau khi chuẩn bị xong, quân hầu thưa với Thái tử: “Nay thật đúng lúc!” Thái tử liền ngồi lên xe báu du hành đến hoa viên. Giữa đường, Ngài trông thấy một người già, đầu bạc, răng rụng, mặt nhăn, lưng còng, run rẩy chống gậy, vừa đi vừa thở mệt nhọc. Thái tử quay lại hỏi quân hầu:

– Đây là người gì?

Đáp:

– Đó là người già.

Thái tử lại hỏi:

– Thế nào là già?

Thưa:

– Người già thì tuổi thọ sắp hết, mạng sống tồn tại chẳng được bao lâu nữa nên gọi là già!

– Ta đây rồi cũng như thế, không tránh được nạn này chăng?

– Thưa vâng! Lớn lên thì phải già đi, ai cũng như ai, bất kể sang hèn.

Nghe xong, Thái tử cảm thấy không vui, liền bảo quân hầu đánh xe quay về cung rồi ngồi lặng lẽ suy tư về nỗi khổ già mà chính Ngài rồi cũng sẽ chịu như thế. Nhân đó, Phật nói kệ rằng:

Nhìn mạng già sắp chết,

Chống gậy run rẩy đi,

Bồ-tát tự thầm nghĩ,

Ta chưa thoát nạn này.

[006b09] Bấy giờ, vua cha hỏi quân hầu:

– Thái tử ra ngoài dạo chơi có vui không?

Quân hầu đáp:

– Thưa ngài, Thái tử không vui.

- Vì sao vậy?

- Thưa, vì trên đường đi Thái tử thấy một người già nên không vui.

Nghe vậy, vua cha thầm nghĩ: “Ngày trước, các thầy tướng tiên đoán Thái tử sẽ xuất gia, nay không được vui, hẳn đúng như vậy sao? Ta phải tìm mọi cách giữ Thái tử lại thâm cung, cho thụ hưởng năm thứ dục lạc, làm thỏa lòng Thái tử, để khỏi xuất gia nữa.” Nghĩ xong, nhà vua liền hạ lệnh trang hoàng cung điện, tuyển chọn mỹ nữ mong làm hài lòng Thái tử. Nhân đó, Phật nói kệ rằng:

Vua cha nghe nói vậy,

Cho trang trí hoàng cung,

Bày thêm năm thứ dục,

Muốn Ngài không xuất gia.

Một thời gian sau, Thái tử bảo quân hầu đánh xe ra ngoài dạo chơi. Giữa đường, Ngài thấy một người thân gầy, bụng trướng, mặt mày đen sạm, nằm trên chỗ dơ uế khiến không ai dám nhìn, người ấy bệnh tình trầm trọng, không thể mở miệng nói. Thấy vậy, Thái tử quay lại hỏi quân hầu:

– Đây là người gì?

Đáp:

– Thưa ngài, đây là người bệnh.

– Bệnh là thế nào?

– Thưa, là chịu nhiều đau đớn bức bách, không biết chết lúc nào nên gọi là bệnh!

Thái tử lại hỏi:

– Ta cũng sẽ giống như thế, không thoát được ư?

– Thưa phải, có sanh thì có bệnh, bất kể sang hèn.

Thế là, Thái tử cảm thấy không vui, liền bảo quân hầu đánh xe hồi cung, ngồi lặng lẽ suy tư về nỗi khổ bệnh tật mà chính Ngài rồi cũng sẽ chịu như thế. Nhân đó, Phật nói kệ rằng:

Thấy người bệnh nặng kia,

Dung nhan đã tiều tụy,

Ngài trầm ngâm suy nghĩ,

Ta chưa thoát nạn này.

Bấy giờ, vua cha lại hỏi quân hầu:

– Thái tử ra ngoài dạo chơi có vui không?

Quân hầu đáp:

– Thưa, không vui.

– Vì sao vậy?

– Thưa, vì giữa đường gặp một người bệnh, nên Thái tử không vui.

Nghe vậy, vua cha thầm nghĩ: “Ngày trước, các thầy tướng tiên đoán Thái tử sẽ xuất gia, nay không được vui, hẳn đúng như vậy sao? Ta nay phải tăng thêm kỹ nhạc để làm đẹp lòng, khiến Thái tử không xuất gia.” Thế rồi, nhà vua hạ lệnh trang hoàng cung cấm, tuyển chọn mỹ nữ để làm đẹp lòng Thái tử. Nhân đó, Phật nói kệ rằng:

Sắc, thanh, hương, vị, xúc,

Kỳ diệu, đáng ham ưa,

Bồ-tát phước vốn thừa,

Được hoan ca thụ hưởng.

[006c09] Lại một lần khác, Thái tử bảo quân hầu trang hoàng xa giá xuất thành dạo chơi. Giữa đường, Ngài gặp một người chết, phía trước cờ phướn đủ màu dẫn đường, phía sau dòng họ thân quyến than khóc tiễn đưa ra ngoài thành. Thấy vậy, Thái tử hỏi:

– Đây là người gì?

Quân hầu đáp:

– Đấy là người chết.

– Chết là thế nào?

– Chết là hết, tắt thở trước, lạnh người sau, các căn tan hoại, kẻ còn người mất đôi đường, gia đình ly biệt, gọi đó là chết!

Thái tử lại hỏi:

– Ta cũng sẽ như thế, không thoát được ư?

Quân hầu đáp:

– Thưa, có sanh ắt sẽ chết, bất luận người sang kẻ hèn.

Nghe vậy, Thái tử cảm thấy không vui, liền bảo quân hầu quay xe hồi cung rồi ngồi lặng lẽ suy tư về nỗi khổ của sự chết mà chính mình cũng sẽ như thế. Khi ấy, Phật nói kệ rằng:

Vừa trông thấy người chết,

Biết họ còn tái sanh,

Ngài thầm lặng nghĩ mình,

Vẫn chưa thoát khổ ấy.

Bấy giờ, vua cha lại hỏi quân hầu:

– Lần này Thái tử dạo chơi có vui không?

– Thưa, không vui.

– Vì sao vậy?

– Thưa, vì giữa đường gặp một người chết, nên Thái tử không vui.

Nghe vậy, vua cha thầm nghĩ: “Ngày trước, các thầy tướng tiên đoán Thái tử sẽ xuất gia, nay không được vui, hẳn đúng như vậy sao? Ta phải tìm cách bày thêm trò vui, tăng thêm kỹ nhạc để làm đẹp lòng, khiến Thái tử không xuất gia.” Thế rồi, nhà vua hạ lệnh trang hoàng cung cấm, tuyển chọn mỹ nữ để làm đẹp lòng Thái tử. Nhân đó, Phật nói kệ rằng:

Tuổi thơ đã nổi tiếng,

Thể nữ vây quanh mình,

Vui năm dục mặc tình,

Như Đế-thích hưởng dục.

[007a01] Lại một lần khác, Thái tử bảo quân hầu sửa soạn xa giá ra ngoài dạo chơi. Giữa đường, thấy một Sa-môn đắp y ôm bát, bước đi trang nghiêm, Ngài bèn hỏi quân hầu:

– Đấy là người gì?

– Đó là một vị Sa-môn.

– Sao gọi là Sa-môn?

– Là người xa lìa ân ái, xuất gia tu đạo, chế ngự các căn, không nhiễm dục lạc, từ bi với tất cả, không làm tổn hại ai, gặp khổ không buồn lo, thấy vui không mừng rỡ, nhẫn nại như mặt đất nên gọi Sa-môn.

- Lành thay! Đó là đạo chân chánh, dứt hẳn trần lụy, chỉ lấy sự thanh tịnh vi diệu làm vui.

Ngài liền sai quân hầu đánh xe lại gần rồi hỏi Sa-môn:

– Cạo râu bỏ tóc, đắp y ôm bát như thế, ông muốn cầu điều gì?

Sa-môn đáp:

– Phàm người xuất gia, chỉ muốn điều phục tâm ý, xa lìa trần cấu, thương cứu quần sanh, không nhiễu hại ai, giữ lòng rỗng lặng, chuyên tâm tu đạo.

Thái tử khen:

– Lành thay! Đạo này rất chân chánh.

Ngài liền bảo quân hầu:

– Hãy đem y phục, trang sức và xe báu của ta về trao lại cho phụ vương, còn ta ở đây cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo. Tại sao thế? Vì ta muốn điều phục tâm ý, xả ly trần cấu, giữ mình thanh tịnh để cầu chánh đạo.

Thế là, quân hầu liền đem xa giá và y phục của Thái tử về tâu lại với vua cha. Sau đó, Thái tử cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo.

Phật bảo các Tỳ-kheo: Nhân thấy người già, người bệnh, Thái tử liền biết cõi đời khổ não; nhân thấy người chết nên lòng tham luyến thế gian tiêu tan và khi nhìn thấy vị Sa-môn thì tâm ý bỗng rỗng rang giác ngộ. Khi Thái tử bước xuống xe báu, mỗi bước chân Ngài đi là mỗi bước rời xa bao trói buộc, đó quả là chân thật xuất gia, chân thật xa lìa.

Bấy giờ, nhân dân trong nước nghe tin Thái tử cạo bỏ râu tóc, xuất gia tu đạo, họ nói với nhau rằng: “Đạo này ắt chân chánh mới có thể làm cho Thái tử từ bỏ vương vị vinh hoa và mọi sự trọng vọng như vậy.” Thế là, có đến tám mươi bốn nghìn người trong nước đến với Thái tử, xin làm đệ tử, xuất gia tu đạo. Khi ấy, Phật nói kệ rằng:

Tìm được pháp thâm diệu,

Người nghe, theo xuất gia,

Ngục ân ái lìa xa,

Dứt mọi sự trói buộc.

Thái tử liền thâu nhận họ, cho họ đi theo, giáo hóa khắp nơi, từ thôn này đến thôn khác, từ nước này sang nước kia, nơi nào Ngài đặt chân đến cũng được nhiều người cung kính cúng dường bốn thứ cần dùng.

Bồ-tát nghĩ: “Ta cùng đại chúng du hành qua nhiều nước, chốn nhân gian ồn ào, chẳng thích hợp với Ta. Đến khi nào Ta mới xa lìa hội chúng này, ở nơi thanh vắng để tìm cầu chánh đạo, được thỏa chí nguyện, đến chỗ thanh vắng chuyên tinh tu đạo?” Ngài lại nghĩ: “Chúng sanh thật đáng thương, thường ở trong tăm tối, mang lấy tấm thân nguy khốn, đủ các thứ khổ não, nào sanh, nào già, nào bệnh, nào chết. Họ chết đây sanh kia, chết kia sanh đây, cứ duyên theo khổ ấm này mà trôi nổi, không bao giờ cùng. Biết đến khi nào Ta mới thấu rõ khổ ấm và chấm dứt sanh, già, bệnh, chết?”

[007b07] Rồi Ngài lại nghĩ: “Sanh tử từ đâu, do đâu mà có?” Thầm hỏi thế rồi, Ngài liền dùng trí tuệ quán sát nguyên do và thấy rằng: Do sanh mà có già chết, sanh là duyên của già chết; sanh từ hữu khởi, hữu là duyên của sanh; hữu từ thủ khởi, thủ là duyên của hữu; thủ từ ái khởi, ái là duyên của thủ; ái từ thọ khởi, thọ là duyên của ái; thọ từ xúc khởi, xúc là duyên của thọ; xúc từ lục nhập khởi, lục nhập là duyên của xúc; lục nhập từ danh sắc khởi, danh sắc là duyên của lục nhập; danh sắc từ thức khởi, thức là duyên của danh sắc; thức từ hành khởi, hành là duyên của thức; hành do vô minh mà khởi, vô minh là duyên của hành.

Như vậy là, do duyên vô minh mà có hành, do duyên hành có thức, do duyên thức có danh sắc, do duyên danh sắc có lục nhập, do duyên lục nhập có xúc, do duyên xúc có thọ, do duyên thọ có ái, do duyên ái có thủ, do duyên thủ có hữu, do duyên hữu có sanh, do duyên sanh nên có già, bệnh, chết, lo buồn, khổ não. Ấm thân đầy dẫy khổ não này do duyên sanh mà có, chính đó là sự tập khởi của khổ. Lúc Bồ-tát tư duy đến Khổ tập[50] liền phát sanh trí, phát sanh nhãn, phát sanh giác, phát sanh minh, phát sanh thông, phát sanh tuệ, phát sanh chứng ngộ.

Rồi Bồ-tát lại tự nghĩ: “Do cái gì không có thì già chết không có? Do cái gì đoạn diệt thì già chết đoạn diệt?” Ngài dùng trí tuệ quán sát nguyên nhân và thấy rằng: Do sanh không nên già chết không, do sanh diệt nên già chết diệt; do hữu không nên sanh không, do hữu diệt nên sanh diệt; do thủ không nên hữu không, do thủ diệt nên hữu diệt; do ái không nên thủ không, do ái diệt nên thủ diệt; do thọ không nên ái không, do thọ diệt nên ái diệt; do xúc không nên thọ không, do xúc diệt nên thọ diệt; do lục nhập không nên xúc không, do lục nhập diệt nên xúc diệt; do danh sắc không nên lục nhập không, do danh sắc diệt nên lục nhập diệt; do thức không nên danh sắc không, do thức diệt nên danh sắc diệt; do hành không nên thức không; do hành diệt nên thức diệt; do vô minh không nên hành không, do vô minh diệt nên hành diệt.

Như vậy, vì vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên lục nhập diệt, lục nhập diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sanh diệt, sanh diệt nên già, chết, lo, buồn khổ, não diệt.

Lúc Bồ-tát tư duy đến Khổ diệt liền phát sanh trí, phát sanh nhãn, phát  sanh giác, phát sanh minh, phát sanh thông, phát sanh tuệ, phát sanh chứng ngộ. Bấy giờ, Bồ-tát lại quán mười hai nhân duyên theo hai chiều thuận nghịch. Sau khi đã biết như thật, thấy như thật rồi, chính ngay lúc đó Ngài chứng thành đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.[51] Khi ấy, Phật nói kệ rằng:

Lời này dạy giữa chúng,

Các ông khéo lắng nghe,

Xưa Bồ-tát suy ngẫm,

Pháp chưa từng được nghe.

Già, chết do duyên gì,

Do nhân gì mà có?

Suy ngẫm, thấy như thật,

Biết già chết do sanh.

Sanh vốn do duyên gì,

Do nhân gì mà có?

Tư duy như vậy rồi,

Biết sanh do hữu khởi.

Chấp thủ, chấp thủ mãi,

Hữu từ đó chất đầy,

Cho nên, Như Lai dạy,

Thủ là duyên của hữu.

Như đống đồ bẩn nhơ,

Gió thổi, mùi hôi bay,

Cũng vậy, nhân của thủ,

Do ái mà rộng dài.

Ái do thọ mà sanh,

Khởi gốc khổ buộc ràng,

Do nhơn duyên nhiễm trước,

Khổ lạc cùng tương ưng.

Thọ vốn do duyên gì,

Nhân gì mà có thọ?

Tư duy như thế rồi,

Biết thọ do xúc  sanh.

Xúc vốn do duyên gì,

Nhân gì mà có xúc?

Suy ngẫm và thấy ra,

Xúc do lục nhập khởi.

Lục nhập vốn duyên gì,

Nhân gì có lục nhập?

Suy ngẫm và thấy ra,

Lục nhập, danh sắc khởi.

Danh sắc vốn duyên gì,

Nhân gì có danh sắc?

Suy nghĩ như thế rồi,

Danh sắc từ thức khởi.

Thức vốn do duyên gì,

Nhân gì mà có thức?

Suy nghĩ như thế rồi,

Biết thức từ hành khởi.

Hành vốn do duyên gì,

Nhân gì mà có hành?

Suy ngẫm và thấy ra,

Hành do vô minh khởi.

Nhân duyên như vậy đó,

Mới đúng nghĩa nhân duyên,

Bằng phương tiện trí tuệ,

Thấy được gốc nhân duyên.

Khổ không do Thánh tạo,

Hết thảy có nguyên do,

Khổ đổi thay, giày vò,

Kẻ trí phải đoạn dứt.

Nếu vô minh dứt sạch,

Lúc đó không có hành,

Nếu đã không có hành,

Thì cũng không có thức.

Nếu thức diệt vĩnh viễn,

Thì danh sắc không còn,

Danh sắc đã dứt rồi,

Thì không có lục nhập.

Nếu lục nhập diệt hẳn,

Thì xúc cũng không còn,

Nếu xúc đã tận trừ,

Thì thọ cũng không có.

Nếu thọ đã dừng rồi,

Thì cũng không có ái,

Nếu ái đã dứt rồi,

Thì cũng không có thủ.

Nếu thủ vĩnh viễn trừ,

Thì cũng không còn hữu,

Nếu hữu vĩnh viễn diệt,

Thì cũng không có sanh.

Nếu sanh vĩnh viễn diệt,

Già, bệnh, khổ không còn,

Hết thảy đều tận trừ,

Đó là người trí nói.

Mười hai duyên sâu xa,

Khó thấy, khó hiểu biết,

Chỉ Phật mới thấu rõ,

Nhân gì có, gì không.

Nếu thường tự quán sát,

Thời không còn các nhập,

Người thấu triệt nhân duyên,

Không cầu thầy bên ngoài.

Đối với ấm, giới, nhập,

Ly dục, không nhiễm trước,

Bậc kham mọi cúng dường,

Xứng báo ân thí chủ.

Nếu được bốn biện tài,[52]

Thành tựu quyết định chứng,[53]

Giải trừ mọi buộc ràng,

Đoạn ấm, không phóng dật.

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức,

Giống như xe cũ mục,

Thấy suốt được như đây,

Thành bậc Chánh Đẳng Giác.

Chim liệng giữa trời mây,

Dọc ngang tùy hướng gió,

Bồ-tát đoạn kết sử,

Như trước gió áo bay.

Nơi trú xứ tịch tịnh,

Tỳ-bà-thi quán pháp,

Già chết duyên gì có,

Do đâu mà chẳng còn?

Ngài quán như vậy rồi,

Sanh trí tuệ thanh tịnh,

Biết già chết do sanh,

Sanh diệt, già chết diệt.

[008b07] Này các Tỳ-kheo! Lúc Phật Tỳ-bà-thi mới thành đạo, Ngài tu hai pháp quán, đó là quán an ổn và quán xuất ly. Nhân đó, Phật nói kệ rằng:

Như Lai, bậc Tối thượng,

Thường tu hai pháp quán,

An ổn và xuất ly,

Đại Tiên sang bờ giác.

Tâm Ngài được an nhiên,

Diệt trừ các kết sử,

Lên núi nhìn bốn hướng,

Nên hiệu Tỳ-bà-thi.

Ánh sáng trí xua tối,

Rõ như tự soi gương,

Diệt ưu não đời thường,

Hết khổ sanh, già, chết.

Ở nơi nhàn tịnh, đức Phật Tỳ-bà-thi lại nghĩ: “Ta nay đã chứng được pháp Vô thượng nhiệm mầu sâu xa, khó hiểu khó thấy, tịch tĩnh thanh tịnh, người trí mới biết, chẳng phải điều mà kẻ phàm phu ngu tối có thể hiểu được. Do chúng sanh có sự tín nhận khác nhau, thấy biết khác nhau, thọ nhận khác nhau, tu học khác nhau[54]; theo sự khác nhau đó nên mỗi người chỉ thích điều mình mong cầu, làm theo sở thích của mình, cho nên đối với lý nhân duyên sâu xa này họ không thể nào hiểu được, huống gì cảnh giới Niết-bàn dứt sạch tham ái lại càng khó hiểu gấp bội đối với họ! Nếu Ta giảng nói, họ ắt không hiểu, lại sanh tâm chê bai.” Suy nghĩ thế rồi, Ngài ngồi im lặng, không muốn thuyết pháp.

Lúc ấy, biết được tâm niệm của đức Phật Tỳ-bà-thi, Phạm Thiên Vương liền nghĩ: “Nay thế gian này sẽ bị sụp đổ, thật đáng thương xót. Vì sao? Vì đức Phật Tỳ-bà-thi mới chứng ngộ pháp sâu xa như thế mà không muốn giảng thuyết.” Thế rồi, trong khoảnh khắc bằng thời gian lực sĩ co duỗi cánh tay, Phạm Thiên Vương từ cõi trời bỗng nhiên hiện xuống trước Phật, cung kính đảnh lễ, đứng sang một bên, quỳ gối phải chấm đất, chắp tay bạch Phật:

– Ngưỡng mong Thế Tôn thuận thời thuyết pháp, chúng sanh hiện nay nghiệp chướng đã mỏng, các căn bén nhạy, có lòng cung kính, dễ dàng khai hóa, họ đã sợ những tội lỗi không ai cứu nổi trong tương lai, biết diệt trừ điều ác, sanh khởi điều lành.

[008c01] Phật bảo Phạm Vương:

– Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời ông đã nói, nhưng Ta ở nơi thanh vắng, thầm lặng suy nghĩ: “Chánh pháp Ta vừa chứng được thậm thâm vi diệu, nếu đem nói cho chúng sanh, ắt họ không hiểu, lại còn sanh tâm chê bai nên Ta im lặng, không muốn thuyết pháp. Hơn nữa, từ vô số a-tăng-kỳ kiếp Ta siêng năng khổ nhọc, tu hạnh cao xa, nay mới chứng được pháp khó chứng này. Nếu vì những chúng sanh đầy tham, sân, si[55] mà thuyết pháp, ắt họ không chấp nhận thì quả thật phí công vô ích. Pháp này vi diệu, trái ngược pháp thế gian, chúng sanh bị dục nhiễm, bị vô minh che lấp, nên không thể nào tin hiểu được.” Này Phạm Vương! Ta thấy như vậy, cho nên im lặng, không muốn thuyết pháp.

Lúc ấy, Phạm Thiên Vương lại thưa thỉnh lần nữa, ân cần tha thiết đến lần thứ ba:

– Bạch Thế Tôn! Nếu Ngài không thuyết pháp thì thế gian này sớm sẽ sụp đổ, thật đáng thương xót. Ngưỡng mong Thế Tôn thuận thời giảng pháp, đừng để chúng sanh đọa lạc đường khổ.

Nghe Phạm Vương ba lần cầu thỉnh tha thiết như thế, Phật Tỳ-bà-thi liền dùng Phật nhãn xem xét thế gian, thấy sự ô nhiễm của chúng sanh có dày, có mỏng, căn tánh của chúng sanh có nhanh có chậm, có người dễ giáo hóa, có kẻ khó chỉ bày. Hạng người dễ thọ giáo thì biết sợ tội lỗi về sau, nên siêng năng diệt điều ác, phát sanh điều lành. Ví như hoa sen xanh, sen đỏ, sen vàng, sen trắng, có loại ra khỏi bùn, nhưng chưa lên đến mặt nước, có loại đã khỏi bùn lên ngang mặt nước, hoặc có loại đã vươn khỏi mặt nước nhưng chưa nở, song chúng đều không bị dính bùn nhơ và sẽ dễ dàng nở ra. Chúng sanh ở thế gian này cũng lại như thế.

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Phạm Vương rằng:

– Ta thương các ông nên nay sẽ mở bày pháp môn Cam lộ,[56] là pháp nhiệm mầu khó hiểu khó biết. Ta vì hạng người tin thọ, thích nghe mà nói, chứ không phải vì những kẻ chê bai vô ích.

Phạm Vương biết Phật đã nhận lời cầu thỉnh nên phấn khởi vô cùng, nhiễu quanh Phật ba vòng, cung kính đảnh lễ chân Phật rồi bỗng nhiên ẩn mất.

Phạm Vương đi chưa bao lâu, Thế Tôn lại im lặng suy nghĩ: “Trước tiên ta sẽ thuyết pháp cho ai? Ta hãy vào trong thành Bàn-đầu, trước hết mở cánh cửa cam lộ cho vương tử Đề-xá và con đại thần là Khiên-trà.”

Thế rồi, bằng thời gian lực sĩ co duỗi cánh tay, đức Thế Tôn bỗng biến mất khỏi Đạo thọ,[57] đến thành Bàn-đầu, vào trong vườn Lộc Dã của vua Bàn-đầu, rồi trải tọa cụ ngồi. Nhân đó, Phật nói kệ rằng:

Như sư tử trong rừng,

Tự thong dong đi lại,

Bậc Thiện Thệ Như Lai,

Đến đi không chướng ngại.

[009a02] Bấy giờ, đức Phật Tỳ-bà-thi bảo người giữ vườn: “Ông hãy vào thành tâu với vương tử Đề-xá và con đại thần là Khiên-trà rằng: Các vị có biết gì chưa? Đức Phật Tỳ-bà-thi đang ở trong vườn Lộc Dã, muốn gặp hai vị ngay lúc này.” Người giữ vườn vâng lời, tìm đến hai vị ấy rồi thuật lại những lời Phật dạy như trên. Nghe xong, họ liền đến chỗ Phật, cung kính cúi lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên. Thế rồi, Phật lần lượt thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ.[58] Ngài giảng về bố thí, trì giới, sanh Thiên, chỉ rõ tham dục là bất tịnh, lậu hoặc là tai họa, đồng thời tán thán hạnh xuất ly là thanh tịnh vi diệu bậc nhất cho họ nghe. Khi ấy, đức Thế Tôn nhận thấy hai người này tâm ý thuần thục, hoan hỷ tin nhận, có thể lãnh thọ Chánh pháp nên Ngài liền dạy về Khổ thánh đế, chỉ bày cặn kẽ và giải thích rõ ràng về Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế và Khổ xuất yếu đế.[59] Lúc đó, Đề-xá và Khiên-trà vừa nghe xong liền được xa lìa phiền não, được pháp nhãn thanh tịnh, giống như tấm vải trắng rất dễ nhuộm màu.

Bấy giờ, Địa thần bỗng cất tiếng ngợi khen: “Đức Phật Tỳ-bà-thi tại vườn Lộc Dã trong thành Bàn-đầu đã chuyển Pháp luân vô thượng. Sa-môn, Bà-la-môn,  chư Thiên, Ma, Phạm và nhiều người khác không thể chuyển được như thế.” Tiếng nói ấy lần lượt vang đến cõi Tứ Thiên Vương, rồi đến cõi Tha Hóa Tự Tại và trong khoảnh khắc liền lên đến cõi Phạm Thiên. Khi ấy, Phật nói kệ:

Tâm hoan hỷ thâm sâu,

Ngợi khen đức Thiện Thệ,

Tỳ-bà-thi thành Phật,

Chuyển Đại pháp nhiệm mầu.

Bắt đầu từ Đạo thọ,

Đi đến thành Bàn-đầu,

Vì Khiên-trà, Đề-xá,

Bốn Thánh đế truyền trao.

Khiên-trà và Đề-xá,

Được Phật giáo hóa xong,

Ở trong pháp thanh tịnh,

Đắc phạm hạnh tối cao.

Thiên chúng trời Đao-lợi,

Cho đến Thiên Đế-thích,

Vui mừng truyền tin nhau,

Chư Thiên đều nghe được.

Phật thị hiện ở đời,

Chuyển pháp luân vô thượng,

Thiên chúng ngày một nhiều,

A-tu-luân giảm thiểu.

Đức Thế Tôn vang danh,

Trí sáng lìa kiến chấp,

Với các pháp thong dong,

Vận trí chuyển Đại pháp.

Quán sát pháp bình đẳng,

Tâm dứt sạch não phiền,

Để lìa ách sanh tử,

Vận trí chuyển Đại pháp.

Diệt khổ, lìa pháp ác,

Ly dục, được thong dong,

Xa lìa ngục ái ân,

Vận trí chuyển Đại pháp.

Bậc Chánh Giác cõi người,

Điều Ngự, Lưỡng Túc Tôn,

Giải thoát mọi ràng buộc,

Vận trí chuyển Đại pháp.

Đạo sư khéo giáo hóa,

Chế phục được oán ma,

Mọi điều ác lìa xa,

Vận trí chuyển Đại pháp.

Sức vô lậu dẹp ma,

Các căn định, tinh tấn,

Sạch lậu, lìa lưới tà,

Vận trí chuyển Đại pháp.

Nếu học pháp quyết định,

Biết các pháp rỗng rang,

Pháp chẳng thể sánh ngang,

Vận trí chuyển Đại pháp.

Không vì cầu lợi dưỡng,

Cũng không màng hư danh,

Chỉ vì thương chúng sanh,

Vận trí chuyển Đại pháp.

Thấy chúng sanh khổ ách,

Già, bệnh, chết bủa vây,

Vì ba đường ác này,

Vận trí chuyển Đại pháp.

Tham, sân, si đoạn tuyệt,

Tát cạn nguồn ái ân,

Bất động, thoát não phiền,

Vận trí chuyển Đại pháp.

Thắng được việc khó thắng,

Tự điều phục chính ta,

Ma khó lòng vượt qua,

Vận trí chuyển Đại pháp.

Pháp luân Vô thượng này,

Chỉ Phật mới chuyển được,

Chư Thiên, Ma, Thích, Phạm,

Không ai có thể làm.

Thân gần rồi thuyết giảng,

Lợi ích chúng trời người,

Đạo sư của thế gian,

Đã qua bên bờ giác.

[009b26] Lúc ấy, vương tử Đề-xá và con đại thần là Khiên-trà đã thấy pháp, đắc quả, chân thật không dối, thành tựu vô úy, liền bạch Phật Tỳ-bà-thi:

– Chúng con muốn ở trong giáo pháp của Như Lai tịnh tu phạm hạnh.

Phật dạy:

– Hãy đến đây, Tỳ-kheo! Pháp Ta thanh tịnh, tự tại, hãy tu hành để được giải thoát.

Ngay lúc ấy, hai vị liền thành tựu giới Cụ túc. Họ đắc giới chưa bao lâu, Như Lai lại thị hiện ba điều để giáo hóa: Một là thần thông, hai là quán xét tâm họ, ba là răn dạy, khiến họ liền chứng đắc tâm vô lậu giải thoát, được Trí sanh tử vô nghi.[60]

[009c03] Bấy giờ, trong thành Bàn-đầu nhiều người nghe hai vị ấy xuất gia học đạo, đắp y ôm bát, tịnh tu phạm hạnh, họ nói với nhau rằng: “Đạo này ắt chân chánh mới khiến hai vị ấy từ bỏ vinh hoa cõi đời và mọi sự trọng vọng như vậy.” Thế là, có đến tám mươi bốn nghìn người vào vườn Lộc Dã, đến chỗ đức Phật, cung kính đảnh lễ, ngồi sang một bên. Đức Phật lần lượt thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ,[61] giảng về bố thí, trì giới, sanh Thiên, chỉ rõ tham dục là bất tịnh, lậu hoặc là tai họa, đồng thời tán thán hạnh xuất ly là thanh tịnh vi diệu bậc nhất cho họ nghe. Sau đó, đức Thế Tôn nhận thấy tâm ý họ thuần thục, hoan hỷ tin nhận, có thể lãnh thọ Chánh pháp nên Ngài liền dạy về Khổ thánh đế, chỉ bày cặn kẽ và giải thích rõ ràng về Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế và Khổ xuất yếu đế.

 Lúc đó, ngay trong pháp hội, tám mươi bốn nghìn người ấy liền xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh, giống như tấm vải trắng rất dễ nhuộm màu, họ thấy pháp đắc quả, chân thật không dối, thành tựu Vô úy. Rồi họ bạch Phật:

  – Chúng con muốn ở trong giáo pháp của Như Lai tịnh tu phạm hạnh.

Phật dạy:

– Hãy đến đây, Tỳ-kheo! Pháp Ta thanh tịnh, tự tại, hãy tu hành để được giải thoát.

Ngay lúc ấy, tám mươi bốn nghìn người liền thành tựu giới Cụ túc. Họ đắc giới chưa bao lâu, Như Lai lại thị hiện ba điều để giáo hóa: Một là thần thông, hai là quán xét tâm họ, ba là răn dạy, khiến họ liền đắc vô lậu, tâm giải thoát, phát  sanh trí Vô nghi.

Lúc đó, nghe Phật ở tại vườn Lộc Dã chuyển Pháp luân Vô thượng mà hàng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma Vương, Phạm Thiên và nhiều người trên đời này không thể chuyển được, lại có tám mươi bốn nghìn người khác liền đến chỗ Phật Tỳ-bà-thi trong thành Bàn-đầu, cung kính đảnh lễ Phật rồi ngồi sang một bên. Khi ấy, Phật nói kệ:

Như cứu lửa cháy đầu,

Mau mau cầu tịch diệt,

Các ông cần phải biết,

Mau tìm đến Như Lai.

Thế rồi, đức Phật cũng thuyết pháp giáo hóa cho họ như trên.

Lúc ấy, tại thành Bàn-đầu, trước mặt hội chúng Tỳ-kheo gồm một trăm sáu mươi tám nghìn người, hai Tỳ-kheo Đề-xá và Khiên-trà bay lên hư không, thân tuôn nước lửa, hiện các thần thông rồi vì đại chúng thuyết pháp vi diệu.

Bấy giờ, đức Phật tự nghĩ: “Nay tại thành này có đến một trăm sáu mươi tám nghìn vị Tỳ-kheo, Ta nên sai các thầy du hóa, mỗi nhóm hai vị đi đến khắp nơi, đúng sáu năm sau trở về thành này thuyết giới Cụ túc”.

[0010a03] Lúc đó, trời Thủ-đà-hội[62] biết được tâm của Phật, trong khoảnh khắc bằng thời gian lực sĩ duỗi cánh tay, từ cõi trời Thủ-đà-hội bỗng hiện đến trước Như Lai, cúi lạy chân Phật, đứng sang một bên rồi thưa rằng: “Đúng vậy, bạch Thế Tôn! Trong thành Bàn-đầu này có rất nhiều Tỳ-kheo, Ngài nên phân bố đi khắp nơi, đúng sáu năm trở về thuyết giới Cụ túc, con sẽ ủng hộ quý thầy, không để ai quấy phá.”

Nghe vị trời ấy nói vậy, đức Phật im lặng hứa khả. Biết Như Lai đã chấp thuận, vị trời ấy bèn đảnh lễ sát chân Phật rồi ẩn mất, trở về cung trời của mình.

Không bao lâu sau, Phật bảo các Tỳ-kheo: “Nay trong thành này chúng Tỳ-kheo rất đông nên phân bố du hóa khắp nơi, cứ đúng sáu năm sau vân tập về đây thuyết giới.” Nghe xong, các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, đắp y ôm bát, chắp tay lễ Phật rồi ra đi.

Khi ấy, Phật nói kệ:

Thánh chúng tâm không loạn,

Không dục, chẳng luyến lưu,

Uy tựa chim cánh vàng,[63]

Như hạc bỏ ao hoang.

Một năm sau, trời Thủ-đà-hội nhắc các Tỳ-kheo: “Quý thầy du hóa đã được một năm, còn năm năm nữa, phải nhớ đúng sáu năm hãy trở về thành thuyết giới.”

Đúng sáu năm sau, vị trời ấy lại nhắc: “Sáu năm đã hết, các thầy hãy quay về thuyết giới.” Nghe trời Thủ-đà-hội nhắc xong, các Tỳ-kheo bèn thu xếp y bát trở về thành Bàn-đầu, đến chỗ đức Phật Tỳ-bà-thi tại vườn Lộc Dã, cung kính đảnh lễ Phật rồi ngồi sang một bên. Khi ấy, Phật nói kệ:

Như voi thuần dưỡng,

Tùy ý đến đi,

Đại chúng luôn nghĩ,

Vâng lời quay về.

Bấy giờ, ở trước đại chúng, đức Như Lai bay lên hư không, ngồi thế kết-già, giảng nói giới kinh:

Nhẫn nhục là bậc nhất,

Phật dạy Niết-bàn cao,

Xuất gia hại người khác,

Không xứng danh Sa-môn.

Khi đó, trời Thủ-đà-hội đứng cách Phật không xa, liền dùng kệ tán thán:

Như Lai đại trí,

Vi diệu tối tôn,

Chỉ, quán đầy đủ,

Giác Ngộ Tối Thượng.

Vì thương quần sanh,

Thành đạo nơi đời,

Đem Bốn chân đế,

Dạy hàng Thanh văn.

Khổ và nhân khổ,

Con đường diệt khổ,

Bát đạo Thánh Hiền,

Đưa đến an ổn.

Phật Tỳ-bà-thi,

Xuất hiện nơi đời,

Ở giữa đại chúng,

Như ánh mặt trời.

[0010b08] Nói xong bài kệ, vị trời bỗng nhiên ẩn mất.

Bấy giờ, đức Phật lại bảo các Tỳ-kheo: Ta nhớ trước kia, khi ở tại núi Kỳ-xà-quật[64] thuộc thành La-duyệt, một hôm Ta khởi niệm suy nghĩ: “Chỗ Ta sanh ra, đâu đâu cũng có, chỉ trừ cõi trời Thủ-đà-hội. Nếu sanh về cõi ấy thì không trở lại nơi đây.” Này các Tỳ-kheo! Lúc đó Ta lại nghĩ: “Ta muốn đến cõi trời Vô Tạo.”[65] Thế là, trong khoảnh khắc bằng thời gian tráng sĩ co duỗi cánh tay, Ta liền ẩn ở đây mà hiện ở kia. Lúc đó, chư Thiên thấy Ta đến, họ đều cúi đầu đảnh lễ, đứng sang một bên rồi bạch rằng: “Chúng con đều là đệ tử của Phật Tỳ-bà-thi, nhờ Phật giáo hóa nên được sanh lên đây”. Rồi  chư Thiên lại kể đầy đủ ngọn ngành nhân duyên của Phật Tỳ-bà-thi. Họ lại nói: “Các đức Phật Thi-khí, Phật Tỳ-xá-bà, Phật Câu-lâu-tôn, Phật Câu-na-hàm và Phật Thích-ca Mâu-ni cũng đều là thầy của chúng con. Nhờ sự giáo hóa của các Ngài, chúng con mới được sanh về đây”. Rồi họ cũng kể đầy đủ ngọn ngành nhân duyên của chư Phật. Cho đến  chư Thiên cõi trời A-ca-ni-trá[66] cũng kể với Ta như thế.

Khi ấy, Phật nói kệ rằng:

Ví như lực sĩ,

Co duỗi cánh tay,

Ta dùng thần túc,

Lên trời Vô Tạo.

Đức Phật thứ bảy,[67]

Hàng nội ngoại ma,

Trời Vô Nhiệt[68] thấy,

Kính lễ cúi đầu.

Như cây Trú Độ,[69]

Tiếng đồn Thích Tôn,

Tướng hảo đầy đủ,

Đến trời Thiện Kiến.[70]

Cũng như hoa sen,

Không bị dính nước,

Thế Tôn vô nhiễm,

Đến Đại Thiện Kiến.[71]

Mặt trời mới mọc,

Không chút bụi che,

Sáng như trăng thu,

Đến Nhất Cứu Cánh.

Năm Tịnh Cư này,

Chúng sanh thanh tịnh,

Tâm tịnh nên đến,

Nơi không não phiền.

Tâm tịnh nên được,

Làm đệ tử Phật,

Nhiễm, chấp xa lìa,

Ưa thích vô chấp.

Thấy pháp quyết định,

Con Tỳ-bà-thi,

Tịnh tâm mà đến,

Với bậc Đại Tiên.

Đệ tử Thi-khí,

Vô cấu, vô vi,

Tịnh tâm tìm về,

Với bậc ly dục.

Đệ tử Tỳ-xá,

Các căn  đầy đủ,

Tịnh tâm đến ta,

Như mặt trời chiếu.

Con Phật Câu-lâu,

Xa lìa tham dục,

Tịnh tâm đến ta,

Diệu quang rực rỡ.

Con Phật Câu-na,

Vô cấu, vô vi,

Tịnh tâm đến ta,

Như trăng tròn sáng.

Đệ tử Ca-diếp,

Các căn đầy đủ,

Tịnh tâm đến ta,

Như Bắc thiên niệm.[72]

Bất loạn Đại Tiên,

Thần túc bậc nhất,

Bằng tâm kiên cố,

Làm đệ tử Phật.

Tịnh tâm mà đến,

Làm đệ tử Phật,

Kính lễ Như Lai,

Kể rõ Chí Tôn.

Nơi sanh, thành đạo,

Danh tánh, chủng tộc,

Tri kiến pháp mầu,

Thành đạo Vô thượng.

Tỳ-kheo nơi vắng,

Cấu nhiễm lìa xa,

Tinh cần, không nhác,

Kết sử tận trừ.

Ấy là nhân duyên,

Của các Thế Tôn,

Thích-ca Như Lai,

Đã vừa diễn thuyết.

Phật nói kinh Đại Nhân Duyên này xong, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.[73]



[1] Nguyên tác: Đại bổn kinh 大本經 (T. 01. 0001. 01. 0001b11). Tham chiếu: Thất Phật kinh七佛經 (T.01. 0001.02. 0150a03); Tỳ-bà-thi Phật kinh 毘婆尸佛經 (T.01. 0001.03. 0154b05); Thất Phật phụ mẫu tánh tự kinh 七佛父母姓字經 (T.01. 0001.04. 0159a14); Tăng 增 (T.02. 0125.48.4. 0790a07); D. 14, Mahāpadāna Sutta (Kinh Đại bổn). Lưu ý, trong phần cuối của bài kinh này lại ghi Đại nhân duyên kinh大因緣經.

[2] Nguyên tác Hoa lâm quật (花林窟 - Karerikuṭikā). Theo Chú giải kinh Đại bổn (DA.14), đây là một trong bốn ngôi tinh xá lớn (cattāri mahāgehāni) được xây dựng trong rừng Kỳ Thọ (antojetavana). Ba trú xứ kia gồm Kosambakuti, Gandhakuti và Salalaghara. Bốn công trình này này do vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) và trưởng giả Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika) xây dựng. Trước cổng trú xứ có hàng cây Kareri (còn gọi là cây Varuṇa) nên nhân đó được đặt tên. Theo ngành thực vật học, cây Kareri có danh pháp khoa học là Crataeva Roxburghii. Ở Việt Nam cây này có tên gọi địa phương là cây Bún, Ngư mộc, Nấm núi, Lá ngạnh…

[3] Kỳ Thọ (祇樹 -Jetavana): vốn là một khu vườn rất đẹp cùa Thái tử Kỳ-đà (Jeta). Sau khi biết trưởng giả Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika) mua lại khu vườn này để xây cất tinh xá cúng dường Phật và chúng Tăng, Thái tử Kỳ-đà đã hoan hỷ cúng dường vườn cây trên khu đất nên nhân đó được định danh là Kỳ Thọ (祇樹).

[4] Nguyên tác Bình đẳng tín (平等信). Bình đẳng (平等) có nguyên tác Pāli là sama, là cách viết chưa đúng của sammā, có nghĩa là chánh (正). Cú ngữ này thường được Tạp A-hàm ghi Chánh tín phi gia xuất gia (正信非家出家).

[5] Tì-bà-thi (毘婆尸 - Vipassī).

[6] Thi-khí (尸棄 - Sikhī).

[7] Tì-xá-bà (毘舍婆 - Vessabhū).

[8] Hiền kiếp (賢劫- Bhaddakappa).

[9] Câu-lâu-tôn (拘樓孫 - Kakusandha); Câu-na-hàm (拘那含- Koṇāgamana); Ca-diếp (迦葉 - Kassapa).

[10] Nguyên tác Tối Chánh Giác (最正覺 – S. abhisambuddha): Quả vị giác ngộ cao nhất, tối thượng, tức thành Phật.

[11] Nguyên tác Thích-ca văn (釋迦文): Tức Thích-ca Mâu-ni. Thích-ca văn (釋迦文) hoặc Thích-ca-văn-ni (尼) là cách dịch chưa đúng của Sākyamuni.

[12] Đoạn trên nói tám mươi nghìn tuổi.

[13] Sát-đế-lợi (剎帝利 - Khattiya).

[14] Câu-lợi-nhã (拘利若 - Koṇḍañña).

[15] Bà-la-môn (婆羅門 - Brahmaṇa).

[16] Ca-diếp (迦葉 - Kassapa).

[17] Cù-đàm (瞿曇 - Gotama).

[18] Ba-ba-la (波波羅 - Pāṭalī).

[19] Phân-đà-lợi (分陀利 - Punḍarīka).

[20] Sa-la (娑羅 - Sāla).

[21] Thi-lợi-sa (尸利沙 - Sirīsa).

[22] Ô-tạm-bà-la-môn (烏暫婆羅門). Các bản Tống Nguyên Minh ghi: Ưu-đàm-ba-la, (優曇婆羅 - Udumbara).

[23] Ni-câu-luật (尼拘律) : Các bản Tống Nguyên Minh ghi: Ni-câu-loại (尼拘類 - Nigrodha). Đây là giống cây đa đặc biêt của Ấn Độ, có danh pháp khoa học là Ficus bengalensis.

[24] Bát-đa (鉢多 – S. aśvattha).

[25] Nguyên tác Quán (觀): Dịch nghĩa của chữ Tỳ-bà-thi (Vipassī).

[26] Vô sở úy (無所畏): Còn gọi Vô úy, tức không hề sợ hãi bất cứ điều gì. Ở đây ý chỉ khi Phật thuyết pháp giữa đại chúng, ngài hết sức bình thản nhờ có đầy đủ đức vô úy.

[27] Nguyên tác Quang (光): Đức Phật Thi-khí do tu Hỏa quang Tam-muội mà thành tựu nên nhân đó mà định danh. Theo, Diệu Pháp Liên Hoa kinh văn cú (妙法蓮華經文句 – T.034. 1718. 01. 0024b16).

[28] Năng Nhân (能仁): Dịch nghĩa tên gọi Thích-ca (Sākya). 

[29] Khiên-trà (騫茶 - Khaṇḍa) và Đề-xá (提舍 - Tissa).

[30] A-tì-phù (阿毘浮 - Abhibhū) và Tam-bà-bà (三婆婆 - Sambhava).

[31] Phù-du (扶遊-Soṇa) và Uất-đa-ma (鬱多摩 - Uttara).

[32] Tát-ni (薩尼 - Sañjīva) và Tì-lâu (毘樓 - Vidhūra).

[33] Thư-bàn-na (舒盤那 - Bhiyyosa) và Uất-đa-lâu (鬱多樓 - Uttara).

[34] Đề-xá (提舍 – Tissa) và Bà-la-bà (婆羅婆 – Bhāradvāja).

[35] Xá-lợi-phất (舍利弗 – Sāriputta) và Mục-kiền-liên (目犍連 – Moggallāna).

[36] Bàn-đầu (盤頭): Cũng gọi Bàn-đầu-ma-đa (盤頭摩多-Bandhumanta).

[37] Bàn-đầu-bà-đề (盤頭婆提): Cũng gọi Bàn-đầu-ma-na (盤頭摩那- Bandhumatī).

[38] Bàn-đầu-bà-đề (槃頭婆提 - Bandhumatī).

[39] Tự Đắc (祀得 – Aggidatta).

[40] Tịnh Phạn (淨飯 – Suddhodana).

[41] Đại Thanh Tịnh Diệu (大清淨妙 - Māyā).

[42] Thường pháp (常法): Pháp cố định, nguyên tắc không đổi, là pháp tự nhiên, bản nhiên, như nhiên, như thị của chư Phật.

[43] Nguyên tác Thiên thượng thiên hạ duy ngã vi tôn, yếu độ chúng sanh sanh lão bệnh tử 天上天下唯我為尊,要度眾生生老病死. Tham chiếu Trường Bộ, kinh số 14: aggohamasmi lokassa, jeṭṭhohamasmi lokassa, seṭṭhohamasmi lokassa, ayamantimā jāti, natthi dāni punabbhavo’ti (Ta là bậc tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời. Ta là bậc cao nhất ở trên đời. Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa, HT. Thích Minh Châu, dịch).

[44] Chỉ đức Phật.

[45] Âm mã tàng (陰馬藏 - Kosohita vattaguyha), còn gọi Mã âm tàng (馬陰藏), Thế phong (勢峯): Nam căn của Phật không hiện ra ngoài.

[46] Vạn tự (萬字; [卐] – S. svástika; P: svatthika): Đó là tướng kết tường trong tín niệm Ấn Độ và của nhiều nước khác trên thế giới. Đại sư La-thập, Huyền Trang dịch là Đức tự (德字), còn ngài Bồ-đề-lưu-chi dịch là Vạn tự (萬字).

[47] Nhất tầm (一尋): Đơn vị đo độ dài thời cổ ở Trung Quốc và không thống nhất. Theo Thuyết Văn (說文), một tầm dài khoảng hai cánh tay.

[48] Nhục kế (肉髻 - Uṇhīsasīsa): Nhục tức nhục đoàn, là một khối thịt nổi hình tròn; kế tức búi tóc. Trên đỉnh đầu nổi lên khối thịt như hình búi tóc, gọi là nhục kế. Theo, Từ điển Đinh Phúc Bảo.

[49] Nguyên tác Viên lâm (園林 - uyyānabhumi).

[50] Nguyên tác Khổ tập ấm (苦集陰).

[51] Nguyên tác A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề (阿耨多羅三藐三菩提 - Anuttara sammāsambuddha). Đôi lúc được dịch âm như A-nậu bồ-đề, A-nậu tam-bồ-đề. Thuật ngữ này, bản Hán cũng dịch nghĩa là: Vô thượng Chánh biến tri, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Vô thượng Bồ-đề… chỉ cho sự giác ngộ tột cùng và viên mãn.

[52] Tài năng giảng thuyết pháp nghĩa, phân làm bốn loại: Pháp biện, nghĩa biện, từ biện và ứng biện.

[53] Nguyên tác Quyết định chứng (決定證), tức Quyết định thuyết (決定說): Một khi đã có được Bốn biện tài thì cũng thành tựu đã khả năng thuyết pháp chắc thật. Theo Trung A-hàm, kinh Thế gian (世間經 –T.001. 0026. 034. 0645b12), nói: "Đức Như Lai, kể từ đêm thành đạo Vô thượng chánh giác cho đến đêm nhập vô dư Niết-bàn, trong khoảng trung gian đó, những gì được nói chính từ miệng Như Lai, những gì được đối đáp bởi chính Như Lai, tất cả những điều ấy đều chắc thật, không trống rỗng, đúng như thật, không điên đảo.”

[54] Nguyên tác Dị nhẫn, dị kiến, dị thọ, dị học (異忍, 異見, 異受, 異學). Dị nhẫn: Niềm tin khác (aññakhantikena). Dị kiến: Kiến giải khác (aññadiṭṭhikena). Dị thọ: Thủ chấp khác (aññarucikena). Dị học: Sự tu học khác (aññatrayogena).  Kinh Bố-tra-bà-lâu (布吒婆樓經 – T.001. 0001. 017. 0110c28) ghi: 異見, 異習, 異忍, 異受, 依異法.

[55] Nguyên tác Dâm, nộ, si (婬, 怒, 癡).

[56] Cam lộ pháp môn (甘露法門 - amatadvāra): Cánh cửa dẫn vào bất tử.

[57] Đạo thọ (道樹). Còn gọi là Giác thọ (覺樹), Bồ đề thọ (菩提樹), chỉ cho loài cây lúc Bồ tát thiền định và thành tựu quả vị Phật. Mỗi vị Phật ngồi dưới mỗi loài cây khác nhau, nhưng đều được gọi là Đạo thọ.

[58] Nguyên tác Thị, giáo, lợi hỷ (, , 利, 喜): Trung A-hàm ghi là Khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ (勸發, 渴仰, 成就歡喜). Tạp A-hàm ghi là Thị giáo chiếu hỷ (, , 照, 喜). Ngài Huyền Trang dịch cú ngữ này là Thị hiện, giáo đạo, tán lệ, khánh hỷ (示現, 教導, 讚勵, 慶喜). Ngài Nghĩa Tịnh dịch là Khai thị, khuyến đạo, tán lệ, khánh hỷ (開示, 勸導, , 慶喜). Nghĩa là Mở bày (示 - sandasseti), Dạy bảo ( - samādapeti ), Khích lệ (鼓勵 – samuttejeti), Khiến cho hoan hỷ (使歡喜 - sampahaṃseti).

[59] Tức Khổ đạo thánh đế.

[60] Nguyên tác Sanh tử vô nghi trí (生死無疑智): Trí thấy rõ sanh tử không còn nghi ngại.

[61] Nguyên tác Thị, giáo, lợi hỷ (, , 利, 喜): Xem chú thích 58 trên.

[62] Thủ-đà-hội (首陀會) tức Thủ-đà-sa-bà (首陀娑婆 - Suddhāvasa), Tịnh cư thiên (淨居天), trú xứ của các Thánh giả Bất hoàn (不還 - Anagāmin).

[63] Nguyên tác Kim-sí-điểu (金翅鳥 - Garuḷa).

[64] Kỳ-xà-quật (耆闍崛 - Gijjakūṭa): Còn gọi núi Linh Thứu, Y-sa-quật, Thứu đầu, Thứu phong, một trong những ngọn núi nằm về phía Đông Bắc thành Vương Xá. Theo chú giải Trung bộ, Tương ưng bộ, Tăng chi bộ (MA.i.291, SNA.ii.417; AA.i.412; etc) do đỉnh của ngọn núi giống như mỏ của chim Kền kền nên nhân đó mà được đặt tên.

[65] Vô Tạo (無造) cũng gọi là Vô Phiền (無煩-Avīha), một trong năm cõi trời Tịnh cư.

[66] A-ca-ni-trá (阿迦尼吒 - Akaniṭṭha): Còn gọi là Hữu Đảnh, Sắc Cứu Cánh, Nhất Cứu Cánh.

[67] Chỉ đức Phật Thích Ca.

[68] Vô nhiệt (無熱 - Atappa).

[69] Trú độ thọ (晝度樹 – Pārichattaka; Pārijāta): Cây này sanh trưởng trong vườn Nan-đà (Nandanavana), bên ngoài Thiện Pháp đường (Sudhammāsālā), trên cõi trời Đao-lợi (Tāvatiṃsa). Kinh Tăng Nhất A-hàm (39.2) mô tả: Gốc cây to năm mươi do-tuần, cao một trăm do-tuần, bóng cây che phủ bốn phía rộng năm mươi do-tuần.

[70] Thiện Kiến (善見 - Sudassa).

[71] Đại thiện kiến (大善見 - Sudassin) cũng gọi là Thiện Hiện.

[72] Như bắc thiên niệm (如北天念). Đây là một câu kinh khó lý giải, như sự ghi nhận của chư tôn đức có thẩm quyền về phiên dịch. Chúng tôi thử đề xuất ý của câu kinh này là: Như lòng kính Phật của Tỳ-sa-môn thiên vương. Theo kinh Điển tôn, thuộc Trường A-hàm thì Tỳ-sa-môn thiên (天 - Vessavaṇa ) ở phía Bắc. Vị trời này thống lĩnh các loại Dạ-xoa có năng lực. Theo kinh Thế ký, phẩm Tứ thiên vương thì trời Tỳ-sa-môn thường có năm vị quỷ thần lớn theo hầu hai bên ( 王常有五大鬼神侍衛左右).

[73] Bản Hán, hết quyển 1.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn